Tên doanh nghiệp có phải là nhãn hiệu hay không, khi thay đổi nhãn hiệu thì có cần phải đổi tên doanh nghiệp hay không,… còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến tên doanh nghiệp và nhãn hiệu mà các khách hàng của TPLegal thắc mắc, và chưa phân định được đâu là nhãn hiệu và đâu là tên doanh nghiệp.
1. Nhãn hiệu
Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.“
Tại Việt Nam, một nhãn hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu nếu chúng đáp ứng được các điều kiện bảo hộ được quy định như sau:
Phải là các dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
Các dấu hiệu này phải có khả năng phân biệt. Để cụ thể hóa điều khoản này, Điều 73 Luật SHTT có quy định chi tiết về các dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu và Điều 74 Luật SHTT quy định về các trường hợp theo đó nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt. Nếu nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thì được coi là không có khả năng phân biệt.
2. Tên doanh nghiệp
Tên doanh nghiệp là tên đầy đủ được đăng ký khi thành lập doanh nghiệp, bao gồm hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng, được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN). Hiện nay, theo quy định Luật DN, doanh nghiệp được đăng ký ba tên: tên bằng tiếng Việt; tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt.
Trong thực tiễn có rất nhiều doanh nghiệp lấy tên riêng của doanh nghiệp để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đây chính là xác lập cơ sở pháp lý cho việc xác định quyền sở hữu của doanh nghiệp với nhãn hiệu đó, khẳng định quyền độc quyền đối với nhãn hiệu trong phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được bảo hộ.
Ví dụ: Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, thì “Vinamilk” vừa là thành tố cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, vừa là nhãn hiệu được bảo hộ. Hay là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng sử dụng tên riêng của doanh nghiệp để đăng ký cho nhãn hiệu như Hyundai, Mishubishi, Honda, Yamaha,… khi tên riêng đáp ứng được các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu được nêu ở trên.
3. Khác biệt giữa tên doanh nghiệp và nhãn hiệu
Thứ nhất, về pháp luật điều chỉnh: Tên doanh nghiệp được Luật doanh nghiệp (DN) bảo vệ như một thành phần cấu thành tư cách pháp lý của doanh nghiệp, còn nhãn hiệu được Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) bảo hộ với tư cách là đối tượng Sở hữu công nghiệp (SHCN).
Thứ hai, về các yếu tố cấu thành: Tên doanh nghiệp phải có 02 thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng, được ghi rõ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ( GCNĐKDN). Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu. Trong khi đó, nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Như vậy, các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu rộng hơn các yếu tố cấu thành của tên doanh nghiệp vì không chỉ là dấu hiệu dưới dạng chữ cái mà còn có thể là dấu hiệu hình, màu sắc.
Thứ ba, về căn cứ xác lập quyền: Quyền đối với tên doanh nghiệp phát sinh khi doanh nghiệp được cấp GCNĐKDN, trong khi đó đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Văn bằng bảo hộ.
Thứ tư, về chức năng: Tên doanh nghiệp nhằm phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác trong phạm vi toàn quốc. Trong khi, nhãn hiệu nhằm phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh khác đối với cùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Thứ năm, về phạm vi bảo hộ: Tên doanh nghiệp có phạm vi bảo hộ trong toàn quốc, được kinh doanh trong ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký kinh doanh còn nhãn hiệu có phạm vi bảo hộ trên toàn quốc, đối với nhóm sản phẩm, dịch vụ được cấp trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Để biết chi tiết hơn, quý khách vui lòng liên hệ chúng tôi bằng những cách thức dưới đây. Chúng tôi sẽ báo giá mức phí dịch vụ rõ ràng, cụ thể tùy theo yêu cầu của quý khách.
TP LEGAL – TƯ VẤN PHÁP LUẬT DONH NGHIỆP, SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Hồ Chí Minh | Tầng 3, Tòa nhà Huna Building, 829 Huỳnh Tấn Phát, Quận 7
Đặt lịch hẹn: 028.35.35.18.58 hoặc qua website: https://tplegal.vn
Gặp trực tiếp Luật sư: 0946 342 345