Trọng tài Thương mại: Thêm một sự lựa chọn cho các bên tranh chấp

Trọng tài Thương mại: Thêm một sự lựa chọn cho các bên tranh chấp
Ngày đăng: 30/11/2021 08:55 PM

    TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI: THÊM MỘT LỰA CHỌN CHO CÁC BÊN TRANH CHẤP

    Thông thường, khi bất đồng phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên sẽ tiến hành thương lượng để giải quyết trên tinh thần thiện chí, hợp tác, các bên cùng có lợi. Nhưng khi bất đồng không thể giải quyết bằng thương lượng, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện. Và khi mâu thuẫn không thể dung hòa là lúc các bên bước sang tranh chấp.

    Nhà nước, với tư cách là chủ thể của quyền lực công và về mặt vật chất được bảo đảm vận hành bằng tiền thuế do nhân dân đóng góp, có trách nhiệm thiết lập nên một hệ thống tòa án có cả chức năng giải quyết các vụ việc dân sự, bao gồm tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh, thương mại. Khi chỉ có hệ thống tòa án thực hiện chức năng này, các bên buộc phải đưa tranh chấp của mình ra tòa án để yêu cầu cơ quan này giải quyết.

    Nhưng trong một xã hội mà quyền tự do kinh doanh được hiến định và bảo đảm, thể chế kinh tế thị trường được thiết lập, duy trì và hoàn thiện, các mối quan hệ kinh tế trở nên phong phú, đa dạng. Khối lượng hợp đồng trong kinh doanh, thương mại được xác lập trở nên khổng lồ. Đa số hợp đồng trong đó được các bên nghiêm chỉnh thực hiện, vì lợi ích của chính mình, nhằm xây dựng uy tín trên thương trường, duy trì mối quan hệ hợp tác kinh doanh lâu dài. Tuy nhiên, dù tranh chấp chỉ phát sinh từ một tỉ lệ nhỏ trong tổng số hợp đồng trong kinh doanh, thương mại, thì số lượng đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hàng năm cũng đủ làm hệ thống tòa án thường xuyên quá tải.

    Chính vì vậy, pháp luật của các quốc gia có nền kinh tế thị trường đều đã thiết lập chế định Trọng tài, tạo cho các bên tranh chấp có thêm một lựa chọn về phương thức giải quyết tranh chấp. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài không đối kháng với phương thức giải quyết tranh chấp trước Tòa án, mà giúp giảm tải cho hệ thống Tòa án. Tòa án cũng có vai trò hỗ trợ nhất định trong quá trình tố tụng trọng tài.

    Trong điều kiện như vậy, thay vì khởi kiện ra tòa án, các bên có thể khởi kiện ra Trọng tài để yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng của mình.

    THẨM QUYỀN CỦA TRỌNG TÀI: ĐƯỢC XÁC LẬP BỞI THỎA THUẬN TRỌNG TÀI

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài chỉ được xác lập bởi một thỏa thuận trọng tài giữa các bên tranh chấp có hiệu lực pháp luật và có thể thực hiện được.

    Về mặt thời gian, các bên có thể thỏa thuận trọng tài tại thời điểm xác lập hợp đồng, trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc ngay cả khi tranh chấp đã xảy ra.

    Về mặt hình thức, thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản trong văn bản hợp đồng chính hoặc trong phụ lục hợp đồng hoặc là thỏa thuận trong một văn bản độc lập nhưng có dẫn chiếu đến hợp đồng liên quan.

    Về mặt nội dung, các bên có thể thỏa thuận rằng, mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng hoặc một loại tranh chấp nào đó phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng được giải quyết tại Trọng tài.

    Các bên cũng phải thỏa thuận một Trọng tài cụ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc hoặc trọng tài thường trực (trọng tài quy chế). Trường hợp các bên chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc, các bên phải thỏa thuận về việc chọn trọng tài viên, quy tắc tố tụng và tất cả các vấn đề liên quan khác. Trường hợp các bên chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường trực, các bên chỉ cần thỏa thuận ở mức tối thiểu, vì quy tắc tố tụng của trọng tài thường trực đều có các quy định áp dụng cho trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể về một vấn đề nào đó.

    Ở Việt Nam, trọng tài thường trực được tổ chức dưới hình thức Trung tâm trọng tài, do Bộ Tư pháp cấp phép thành lập và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi Trung tâm trọng tài có trụ sở và chi nhánh, văn phòng đại diện. Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức giải quyết các tranh chấp thương mại bằng trọng tài (và hòa giải thương mại) theo quy định pháp luật. Thỏa thuận trọng tài phải đảm bảo xác định được một Trung tâm trọng tài nhất định có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

    VÌ SAO CHỌN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI?

    So với giải quyết tranh chấp tại tòa án, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có nhiều ưu điểm vượt trội.

    Thứ nhất, với giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên có nhiều quyền chủ động. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hội đồng trọng tài chỉ một Trọng tài viên duy nhất hoặc gồm ba (3) Trọng tài viên. Các bên cũng có thể chủ động chọn Trọng tài viên hoặc đề nghị Chủ tịch trung tâm chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài. Các bên cũng còn có thể thỏa thuận địa điểm trọng tài, ngôn ngữ trọng tài và các thời hạn trong tố tụng trọng tài. Các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải hay không hòa giải v.v…

    Thứ hai, thủ tục tố tụng trọng tài là không công khai. Bởi vậy, trừ phi các bên có thỏa thuận khác, chính các bên, Trọng tài viên, người đại diện, trợ giúp pháp lý của các bên, toàn bộ nhân sự quản lý cũng như nhân viên của Trung tâm trọng tài có nghĩa vụ giữ bí mật tất cả các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp. Với tính chất không công khai của tố tụng trọng tài, các bên giữ được bí mật về vụ tranh chấp, thông tin bí mật trong kinh doanh, uy tín trên thương trường.

    Thứ ba, phán quyết trọng tài là chung thẩm. Tố tụng trọng tài chỉ tiến hành ở một cấp duy nhất, vì vậy Phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành như bản án có hiệu lực của tòa án. Các bên tranh chấp chỉ có quyền yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài trong một số trường hợp rất hạn chế. Do năng lực chuyên môn và tính chuyên nghiệp của Trọng tài viên ngày càng cao, Tòa án ngày càng có xu hướng tôn trọng Phán quyết trọng tài, nên tỉ lệ Phán quyết trọng tài bị hủy có xu hướng giảm rõ rệt. Trong quá trình tố tụng trọng tài, nếu các bên hòa giải thành, Hội đồng trọng tài sẽ ra Quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định công nhận hòa giải thành có giá trị thi hành như Phán quyết trọng tài.

    Thứ tư, Trung tâm trọng tài cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp với mức phí hợp lý, có tính cạnh tranh cao so với chi phí tố tụng trước tòa án. Biểu phí trọng tài luôn được công khai tại trụ sở và trên website của Trung tâm. Biểu phí cũng có thể dành cho các bên quyền thỏa thuận với Trung tâm về mức phí trong những trường hợp nhất định.

    TP LEGAL – TƯ VẤN TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

    Hồ Chí Minh | Tầng 3, Tòa nhà Huna Building, 829 Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 

    Đặt lịch hẹn: 028.35.35.18.58 hoặc qua website: https://tplegal.vn

    Gặp trực tiếp Trọng tài viên, Luật sư: 0917.567.867

    Zalo
    Hotline
    028 3535 1858